x
Gửi thông tin để được tư vấn sớm nhất
Họ và tên*:
Email*:
Số điện thoại*:
Chọn ngày đến*:
Chọn trung tâm đến*:

GIÚP TRẺ TẬP NGHE VỚI MÁY TRỢ THÍNH

23/02/2024
“Việc chọn mua máy trợ thính và chỉnh âm thích hợp cho trẻ khiếm thính mới chỉ đạt 5% khả năng phục hồi ngôn ngữ, 95% còn lại tùy thuộc vào cách cha mẹ dạy trẻ tập nghe, hiểu và phân biệt được âm thanh”. Nên đo thính lực cho trẻ ngay từ lúc mới sinh, khi đó nếu phát hiện sớm trẻ bị mất hoặc giảm thính lực, chúng ta sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ có cơ hội phát triển ngôn ngữ bình thường.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy từ 6 tháng đến 3 tuổi rưỡi là thời điểm “vàng” để trẻ học nói, phát triển ngôn ngữ. Lúc này não trẻ phát triển rất mạnh, có khả năng thu nhận cả triệu thông tin trong mỗi giây. Nếu trẻ được đeo máy trợ thính và được dạy trong giai đoạn này, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ rất cao, cơ hội nói như trẻ bình thường cũng nhiều hơn.

Nguyên tắc của máy trợ thính là khuếch đại âm thanh, giúp cải thiện sức nghe cho trẻ nhưng nó không phải là “liều thuốc thần”, lựa chọn máy phù hợp, chỉnh âm theo thính lực đồ mới chỉ là bước đầu, còn điều quan trọng hơn cả là làm sao dạy trẻ hiểu được tất cả những âm thanh tiếp nhận sau khi đeo máy.

Tập cho trẻ làm quen với những tiếng động âm thanh

Có thể cho trẻ chơi với các dụng cụ phát ra âm thanh như chuông, xúc xắc, trống… hoặc hướng trẻ tập nghe những tiếng động trong nhà như: tiếng đài, đồng hồ tích tắc, điện thoại reng, tiếng nước chảy… Đưa trẻ ra ngoài đi dạo để trẻ khám phá âm thanh cuộc sống, khi nghe thấy âm thanh nào đó ở gần hãy chỉ cho trẻ biết nơi phát ra âm thanh: “Tiếng chim hót kìa con, nghe con gà kêu này, tiếng chó sủa gâu gâu đấy, còi xe inh inh này, máy bay vù vù”…

Càng nói chuyện nhiều với trẻ càng tốt

Trẻ bình thường có thể học ngôn ngữ từ nhiều nguồn khác nhau vì bản thân các em có khả năng nghe tốt và tiếp nhận âm thanh nhiều hơn so với trẻ khiếm thính. Ở trường, khả năng nghe của mỗi trẻ cũng khác nhau, sẽ có em theo kịp bài giảng của cô giáo nhưng có em thì không nếu em đó bị suy giảm thính lực quá nặng và giáo viên cũng không có thời gian để quan tâm đến từng em. Do đó, trẻ khiếm thính chỉ có thể học từ nguồn duy nhất chính là cha mẹ. Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của các bậc cha mẹ trong việc huấn luyện trẻ tập nghe ở nhà là rất quan trọng. Nếu ngay cả những người gần gũi chúng nhất cũng “kiệm lời” thì trẻ khó mà phát huy được khả năng nghe – hiểu. Với trẻ khiếm thính, càng cần phải nói chuyện nhiều với trẻ, bất kể lúc nào, nói cả trong giờ ăn, giờ tắm, giờ chơi, giờ ngủ. Đừng quan tâm trẻ có nghe thấy mình nói hay không mà hãy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần lời nói ấy, phát âm rõ ràng, chậm rãi, lâu ngày trẻ sẽ nghe quen dần, tiếp thu lại và sau này khi cần, trẻ sẽ tự bật thành tiếng nói.

Song song lời nói, cần kết hợp những cử chỉ, hoạt động để hướng dẫn trẻ làm theo. Ví dụ trẻ có biểu hiện khát nước, thay vì chạy đi lấy nước cho trẻ hãy dẫn trẻ đến chỗ bàn uống nước, vừa nói vừa làm: “Con khát nước phải không? Đi theo mẹ nào, mình đến bàn uống nước, lấy ly ra, rót nước vào ly nhé, uống rồi, hết khát chưa?”… Bạn có thể lặp lại động tác giả rồi hướng dẫn trẻ rót nước uống.

Không nên ép trẻ ngồi yên để dạy

Dạy trẻ theo kiểu áp đặt, bắt trẻ ngồi yên một chỗ là cách làm sai lầm khiến trẻ mau chán. Bạn nên lồng bài học vào các trò chơi, thậm chí trong phòng không cần kê bàn ghế, mà hãy nằm bò, nằm chơi với trẻ cùng những vật dụng, đồ chơi như búp bê, quả banh, trống, kèn, thau nhựa… Dạy trẻ khái niệm không phải ngồi chỉ vào hình ảnh mà bắt trẻ phải nói cho mẹ, cho cô biết đây là cái gì, kia là cái gì. Muốn trẻ hứng thú và học nhanh cần dạy theo tâm lý của trẻ, một cách tự nhiên, sử dụng hành động. Ví dụ: “Trái banh đâu mất rồi nhỉ, mẹ con mình cùng đi tìm trái banh nào, à nó đây rồi, con mẹ giỏi quá, giờ con ném trái banh đi nào, nó kêu sao?… Bịch… bịch…”, hoặc hướng dẫn trẻ chơi trò tắm cho búp bê. Thực hiện động tác nhiều lần, trẻ sẽ hiểu và nhớ lâu hơn trình tự việc đi tắm đầu tiên là thế nào, tắm xong rồi thì làm sao…

Không để trẻ xem ti vi quá nhiều

Ngay cả với trẻ bình thường bạn cũng cần hạn chế việc xem ti vi, chỉ cho trẻ xem theo giờ. Xem ti vi nhiều chỉ khiến trẻ tập trung vào hình ảnh, chuyển động trên ti vi mà quên hết những gì đang xảy ra, diễn ra xung quanh, thậm chí không cần biết nghe cha mẹ hay người khác nói gì.

Tạo điều kiện cho trẻ thích nghe nhạc, đọc sách

Trẻ một tuổi rất thích nghe nhạc, bạn hãy cho trẻ nghe nhạc hoặc có thể hát cho trẻ nghe trong lúc nằm, ngủ, chơi, tắm hoặc đang bế bồng trẻ trên tay. Tập cho trẻ lắc lư, vỗ tay theo điệu nhạc, lời bài hát. Hãy chọn mua những cuốn sách nhiều hình ảnh, ít chữ để nói và chỉ cho trẻ biết hình này là gì, không cần bắt trẻ đánh vần chữ.

Khen ngợi trẻ khi thấy trẻ phản ứng với âm thanh, từ ngữ

Bạn phải thường xuyên khen ngợi trẻ để khuyến khích, động viên trẻ. Nếu thấy trẻ không phản ứng thì lặp lại âm thanh, từ ngữ đó. Cần cho trẻ thời gian để lắng nghe.

Việc tập nghe cho trẻ đòi hỏi sự nhẫn nại

Cha mẹ cần kiên trì giúp đỡ, luyện nghe cho trẻ, trẻ sẽ dần dần nghe tốt hơn, nhận biết về thế giới nhiều hơn, hiểu được người đối thoại nói chuyện với mình, trẻ sẽ tập nói và phát triển được ngôn ngữ. Cơ hội đó một phần dựa vào máy trợ thính. Bạn cũng nên kiểm tra máy còn hoạt động tốt không vào mỗi buổi sáng trước khi đeo vào cho trẻ và cuối ngày khi tháo ra.

 

0 bình luận, đánh giá về GIÚP TRẺ TẬP NGHE VỚI MÁY TRỢ THÍNH

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi

Hải Phòng: 0389491186

Thanh Hoá: 0988198410

Nam Định: 0365365336

Thái Bình: 0978377629

 

0.40830 sec| 880.805 kb