Bệnh đau nửa đầu migraine: Dễ gặp, dễ tái phát
- Đau đầu migraine là gì?
Đau đầu migraine là bệnh đau nửa đầu từng cơn. Đặc điểm của cơn đau nửa đầu là đau theo nhịp mạch. Cường độ cơn đau thay đổi từ nhẹ, thoáng qua cho đến đau dữ dội. Đôi khi xuất hiện đau nửa đầu bên phải hoặc có thể là đau nửa đầu bên trái, đau cả hai bên đầu hoặc luân chuyển bên này bên kia theo chu kỳ. Cơn đau nửa đầu migraine có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc cũng có khi lên đến 2-3 ngày. Đối tượng bị bệnh thường gặp là phụ nữ từ 30 - 45 tuổi.
2. Triệu chứng đau đầu migraine là gì?
Bệnh đau nửa đầu migraine có 2 dạng chính
- Migraine tiền triệu
- Migraine không có tiền triệu
Migraine tiền triệu tức là người bệnh có một vài triệu chứng kéo dài trong vòng vài phút hoặc cũng có thể lên đến 30 phút, trước khi cơn đau nửa đầu xuất hiện. Các triệu chứng đó có thể là
- Mờ mắt, hoa mắt.
- Chóng mặt, ù tai.
- Mất ngôn ngữ, nói khó.
- Tê buốt da đầu.
- Tê tay, tê một bên mặt (ít gặp).
Sau khi các triệu chứng này biến mất thì cơn đau đầu migraine xuất hiện, thông thường cơn đau sẽ khởi phát từ một bên đầu, rồi lan cả hai bên. Cơn đau nặng hơn khi người bệnh vận động, di chuyển. Hắt hơi, ho hoặc thay đổi tư thế đầu cũng khiến người bệnh thấy đau đầu hơn. Đi cùng với cơn đau là các triệu chứng như nhạy cảm, khó chịu với ánh sáng, tiếng động, buồn nôn và nôn. Cơn đau dịu đi khi người bệnh đi vào nơi tối và yên tĩnh. Khi hết đau, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, cơ thể uể oải.
Với migraine không có tiền triệu thì cơn đau xuất hiện đột ngột và không có triệu chứng nào rõ ràng báo trước cơn đau, người bệnh có thể chỉ có biểu hiện lo lắng, chán ăn trước khi cơn đau xuất hiện. Cường độ cơn đau cũng ít hơn so với migraine tiền triệu. Người bị bệnh đau đầu migraine có thể gặp cùng lúc 2 dạng của bệnh.
3. Vì sao đau đầu migraine là bệnh dễ gặp, dễ tái phát?
Các khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc bệnh là 12% trong một số cộng đồng. Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu migraine vẫn chưa được xác định rõ cho đến nay, nhưng một số nghiên cứu cho thấy cơn đau đầu dữ dội có thể xuất phát từ việc chức năng não bị rối loạn, do các mạch máu não giãn nở và giải phóng các chất serotonin, dopamin.
Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng khiến bệnh dễ xảy ra
- Thần kinh bị căng thẳng, mất ngủ.
- Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, đến chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu bị thay đổi.
- Thời tiết thay đổi.
- Môi trường sống nhiều tiếng ồn, có ánh sáng chói, khói thuốc lá, một số mùi hương nồng nặc như nước hoa đậm đặc.
- Người bệnh đã từng bị chấn thương đầu.
- Sử dụng thức ăn đóng hộp, nhiều gia vị như bột ngọt, đường hóa học, socola, phô mai, rượu,...
Với các đặc điểm và triệu chứng lâm sàng nêu trên, bệnh đau đầu migraine dễ chẩn đoán nhưng thường bị nhầm lẫn với bệnh đau đầu do căng thẳng, thiếu máu não, hoặc rối loạn tiền đình,... Vì vậy, khiến cho việc điều trị kém hiệu quả, bệnh dễ tái phát và nặng hơn, khó điều trị.
Khói thuốc lá là một trong những yếu tố có thể khiến bệnh đau đầu migraine bộc phát
4. Cách chữa đau đầu migraine
Cách chữa đau đầu migraine gồm có điều trị cắt cơn đau cấp tính và điều trị phòng ngừa cơn đau tái phát. Người bệnh có thể được điều trị đồng thời cả cắt cơn đau và ngừa cơn đau tái phát.
- Điều trị cắt cơn đau cấp tính được áp dụng trong hầu hết các trường hợp đau đầu migraine và giúp làm giảm cơn đau ngay tức thì.
- Điều trị ngừa cơn đau tái phát, mãn tính được chỉ định đối với những bệnh nhân bị đau nhiều (nhiều hơn 3 cơn trong một tháng) hoặc số cơn đau ít nhưng lại khó cắt cơn hơn. Điều trị bằng cách dùng thuốc trong thời gian dài (có thể hơn 3 tháng) để cơn đau không xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc giảm đau và chống nôn cho người bệnh.
Ngoài ra, cũng có một vài biện pháp có thể giúp làm giảm đau đầu migraine
- Nghỉ ngơi trong phòng tối, yên lặng.
- Kê gối cao khi nằm nghỉ.
- Đắp khăn lạnh vùng đầu bị đau.
- Tránh tiếp xúc và ở trong môi trường nhiều khói thuốc lá, mùi nồng.
- Tăng cường ngủ nghỉ, thư giãn.
- Có thể tập, thực hành các động tác yoga, thiền để cơ thể được cân bằng.
Tập yoga là một trong những cách giúp giảm các cơn đau nửa đầu
5. Phòng tránh bệnh đau đầu migraine như thế nào?
Để phòng tránh bệnh đau nửa đầu migraine, người bệnh nên
- Ngủ đủ 7 tiếng/ngày để cơ thể được hồi phục sau một ngày lao động và làm việc. Tránh để tình trạng mệt mỏi, căng thẳng vì công việc ảnh hưởng đến thời gian ngủ, nghỉ ngơi, bởi nếu để tình trạng này diễn ra lâu dài, thì không chỉ mắc bệnh đau nửa đầu mà còn đối mặt với nguy cơ mắc những bệnh khác.
- Thiết lập chế độ sinh hoạt, làm việc một cách hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cơ thể được cân bằng, điều hòa.
- Không để tinh thần bị căng thẳng và stress, vì đây là một trong những yếu tố khiến bệnh dễ bộc phát, cũng như làm cho người mắc các bệnh về thần kinh, tim mạch, tiêu hóa,... bị nặng thêm. Thay vào đó nên tìm cách để cơ thể được thư giãn, thoải mái.
- Có chế độ ăn uống khoa học, người mắc bệnh đau đầu migraine cần hạn chế và không nên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá, tránh lạm dụng các thực phẩm như socola, bột ngọt, phô-mai.
- Hạn chế ở những nơi ồn ào, môi trường có nhiều ánh sáng chói, có không khí lạnh, ngột ngạt.
- Tránh sử dụng các thuốc gây giãn mạch máu hoặc thuốc ngừa thai có chứa estrogen.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm